Bối cảnh lịch sử Trận_Chaeronea_(338_TCN)

Tượng bán thân vua Philippos II xứ Macedonia.

Trong vòng mười năm sau khi đăng cơ vào năm 359 trước Công Nguyên, vua xứ Macedonia là Philippos II đã nhanh chóng phát triển và mở mang bờ cõi tới miền ThraceChalkidiki ở bờ Bắc biển Aegean.[6][7] Trong quá trình đó, ông được trợ giúp bởi sự bất đồng giữa Athena và Thebes, hai thành bang hùng mạnh nhất của Hy Lạp trong thời kỳ đó, qua nhiều biến động. Cụ thể là, các sự kiện ấy bao gồm cuộc Chiến tranh Liên minh giữa Athena và các đồng minh cũ của mình (357–355 trước Công Nguyên), và cuộc Chiến tranh Thần thánh lần thứ ba đã nổ ra vào năm 356 trước Công Nguyên tại miền Trung Hy Lạp giữa xứ Phocis và các thành viên khác của Liên minh AmphictyonicDelphi.[8][9] Phần lớn cuộc bành trướng của Philippos II trong thời kỳ này nhằm thẳng vào người Athena (thành bang này coi bờ Bắc biển Aegean là vùng ảnh hưởng của họ), và Philippos II đã lâm chiến với Athena từ năm 356 cho đến năm 346 trước Công Nguyên.[7]

Philippos II ban đầu không tham chiến trong cuộc Chiến tranh Thần thánh, nhưng đã tham chiến theo yêu cầu của người Thessasly.[10][11] Coi đây là cơ hội để truyền sâu ảnh hưởng của ông vào lãnh thổ Hy Lạp, Philippos II chấp thuận, và vào năm 353 hoặc là 352 trước Công Nguyên ông đánh bại người Phocis trong trận đánh quyết định ở cánh đồng Crocus tại vùng Thessaly.[12][13] Sau đó, Philippos II được cử làm Chấp Chính quan (archon) xứ Thessaly,[14] qua đó ông lấy được kiềm thu thuế và tuyển quân cho Liên minh Thessaly, và gia tăng đáng kể quyền lực của ông.[15] Tuy nhiên, nhà vua xứ Macedonia cũng không can thiệp gì thêm vào cuộc Chiến tranh Thần thánh cho đến năm 346 trước Công Nguyên. Đầu năm ấy, người Thebes - phe tham chiến chủ yếu của cuộc Chiến tranh Thần thánh, cùng với người Thessalians, đã thỉnh cầu Philippos II lên làm minh chủ của Hy Lạp và hỗ trợ họ trong cuộc chiến chống người Phocis.[16] Giờ đây, uy thế của Philippos II lên cao đến mức mà người Phocis thậm chí không dám lập mưu chống cự, và thay vì đó họ phải đầu hàng ông; như vậy là Philippos II đã có thể chấm dứt cơn binh đao trường kỳ ác liệt mà khỏi phải chiến đấu gì thêm.[17] Philippos II trao cho Hội đồng Amphictyonic quyền "trừng trị" người Phocis, nhưng khẳng định rằng các điều khoản sẽ không quá khắt khe; dẫu sao đi chăng nữa, người Phocis đã bị hất cẳng ra khỏi Liên minh Amphictyonic, tất cả mọi thành phố của họ đều bị phá hủy, và họ phải tái định cư trong những ngôi làng có không hơn 500 hộ dân.[18]

Tượng bán thân nhà chính trị Demosthenes xứ Athena.

Vào năm 346 trước Công Nguyên, người Athena đã mỏi mệt vì cuộc chiến, lại kém uy của vua Philippos II, và phải bàn đến khả năng giảng hòa với vua Macedonia.[19] Tuy nhiên, khi tình hình nêu rõ là vua Macedonia sẽ Nam tiến trong năm đó, người Athena đành phải lập kế hoạch để cứu giúp đồng minh của mình là người Phocis nhằm ngăn cản Philippos II kéo quân vào miền Trung Hy Lạp, bằng việc chiếm giữ đèo Thermopylae, nơi Philippos II và đại quân của ông có chẳng được mấy lợi ích.[20] Người Athena đã thành công trong chiến thuật này, ngăn được việc Philippos II tấn công vào lãnh thổ Phocis sau đại thắng trên cánh đồng Crocus.[21] Cuộc chiếm đóng Thermopylae không chỉ mang lại lợi thế cho Phocis; đẩy Philippos II ra khỏi miền Trung Hy Lạp cũng có nghĩa là chặn được bước tiến công của ông vào lãnh thổ Athena.[21] Tuy nhiên, vào cuối tháng 2, Tướng Phalaikos trở lại nắm quyền tại Phocis, và ông đã không cho phép quân Athena tiến vào Thermopylae.[22] Đột ngột chẳng giữ nỗi sự vững an của mình, người Athena buộc phải giảng hòa với Philippos II; và theo Hòa ước Philocrates giữa hai bên, Athena đã trở thành một đồng minh "bất đắc dĩ" của Macedonia.[23]

Tuy Hòa ước Philocrates là có lợi với Athena, nhân dân Athena không bao giờ chấp nhận nó. Trong năm 346 trước Công Nguyên, mọi chuyện đã dẫn tới việc lan tràn ảnh hưởng của Philippos II trên toàn cõi Hy Lạp, và cho dầu ông đã đem lại hòa bình, các thành bang coi ông là kẻ thù của truyền thống tự do của mình. Nhà hùng biện kiêm chính trị gia Demosthenes đã từng là kiến trúc sư trưởng của Hòa ước Philocrates, nhưng gần như là ngày sau khi Hòa ước được tán đồng, ông đã mong muốn được phá vỡ nó.[24] Chỉ trong vòng vài năm sau đó, Demosthenes đã trở thành lãnh đạo phái "chủ chiến" tại Athena, và luôn luôn tìm kiếm thời cơ đã phá vỡ nền hòa bình. Kể từ năm 343 trước Công Nguyên, nhằm mục đích đập vỡ nền hòa bình, Demosthenes và phe cánh của ông dùng mọi cuộc chinh phạt và hành động của Philippos II để biện luận rằng nhà vua có giã tâm lật lọng nền hòa bình.[25][26] Nhưng ban đầu, có một phe cánh bảo thủ có uy thế tại Athena, do Aeschines dẫn đầu, lập luận rằng, cho dù nền hòa bình này không được lòng dân, nó phải được giữ vững và phát huy.[27] Tuy nhiên, đến khi 10 năm ấy đã gần trôi qua, "phái chủ chiến" thắng thế, và bắt đầu công khai chống phá Philippos II; tỷ như là vào năm 341 trước Công Nguyên, quân Athena do tướng Diopithes chỉ huy đã tàn phá lãnh thổ của xứ Cardia là một đồng minh của Philippos II, ngay cả khi vua Macedonia bắt họ phải thôi.[28] Sự kiên nhẫn của Philippos II cuối cùng cũng đã chấm dứt khi người Athena thiết lập Liên minh với thành Byzantium khi ấy đang bị Philippos II vây khốn, và ông đã gửi thư tuyên chiến cho người Athena.[29] Chẳng bấy lâu sau đó, Philippos II từ bỏ cuộc vây hãm Byzantium; tác giả Cawkwell cho rằng Philippos II quyết tâm phải đánh một trận chí mạng với Athena.[30] Philippos II phát binh đánh người Scythia, và sau đó ông bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Hy Lạp.[31]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Chaeronea_(338_TCN) http://www.emersonkent.com/history_notes/philip_ii... http://books.google.com/books?id=6z6foPWT3_oC http://books.google.com/books?id=FwgOAAAAQAAJ http://books.google.com/books?id=k-mUQgAACAAJ http://books.google.com/books?id=nv73QlQs9ocC http://books.google.com/books?id=wkNCAAAAIAAJ http://books.google.com/books?id=wvtyijSRcKUC http://www.thefreedictionary.com/Chaeronea http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Diod.... http://www.perseus.tufts.edu/hopper/text?doc=Perse...